Tại sao Tần Thuỷ Hoàng được gọi là vị hoàng đế của muôn đời?

Năm 221 trước Công nguyên, vua nước Tần là Doanh Chính thành công trong việc thôn tính sáu nước, lập nên vương triều thống nhất nhà Tần.



Nhưng Tần Thuỷ Hoàng đã không bị chiến thắng làm cho mê mẩn đầu óc, ông ta biết rằng nước Tần tuy đã thống nhất được toàn cõi Trung Quốc, nhưng vẫn còn tiếp thu cái tình trạng rời rạc chia năm xẻ bảy còn lưu lại từ thời kỳ Chư Hầu cát cứ, không những văn tự các vùng không như nhau, chế độ cai trị không thống nhất, chỗ nào cũng có những cửa quan, đường xá cách trở, mà sáu nước cũ vẫn chưa cam tâm bị thất bại và vẫn còn những thế lực còn sót lại của các dân du mục ở vùng biên giới phía Tây Bắc thường xuyên xâm nhập quấy nhiễu. Vì thế vấn đề cấp bách lúc bấy giờ là phải làm thế nào củng cố được một quốc gia chỉ chịu uy quyền của một hoàng đế.

Đầu tiên Tần Thuỷ Hoàng đã xác lập chế độ hoàng đế của mình, xây dựng quyền uy tối cao của bản thân. Bên dưới hoàng đế không có chức công, chín chức khanh nhưng đã tổ chức được một chính phủ trung ương, các bộ phận chia nhau quản lý các phương diện về quân sự và về chính trị. Về mặt địa phương thì Tần Thuỷ Hoàng cho áp dụng chế độ quận huyện, toàn quốc được chia ra thành 36 quận, bên dưới quận đặt huyện, các quận và các huyện chịu sự quản lý của những cấp quan lại như quận thú, huyện lệnh do trung ương bổ nhiệm, đó tức là chính thể phong kiến trung ương tập quyền.

Hơn hai nghìn năm nay, trong lịch sử Trung Quốc, các vương triều phong kiến luôn luôn thay đổi nhau theo thời gian, nhưng chính thể phong kiến do Tần Thuỷ Hoàng sáng lập vẫn mãi mãi được kéo dài không suy chuyển, vì thế đã có lời khen ngợi “ngàn đời đều thực chính sự của nhà Tần”

Hai là Tần Thuỷ Hoàng đã ban bố rất nhiều sắc lệnh hành chính thống nhất các thứ chế độ, ông ta đã quy định rằng nước Tần đã thống nhất chế độ cân đo, áp dụng rộng rãi trong phạm vi toàn quốc. Đồng tiền hình tròn có lỗ vuông của nhà Tần đã trở thành đồng tiền thống nhất của toàn quốc, kiểu chữ tiểu triện quản hoá đã trở thành kiểu chữ tiêu chuẩn của toàn quốc. Tất cả những sự cải cách có tính chất lịch sử như thế đã ảnh hưởng tới thế lực tập quán của hàng triệu con người và biểu hiện rõ tinh thần tiến bộ của Tần Thuỷ Hoàng.

Ba là Tần Thuỷ Hoàng muốn củng cố công việc biên phòng, tăng cường sức khống chế của nước Tần đối với toàn lãnh thổ, cho nên ông ta đã phát động nhân dân toàn quốc xây dựng Vạn Lý Trường Thành ở miền Bắc bắt đầu từ Lâm Thao ở phía Tây và ra tới Liêu Đông ở phía Đông, còn Phương nam ông ta cho đào Linh Cừ để nối liền dòng nước của hai con sông Tương Thuỷ và Ly Thuỷ. Ngoài ra ông còn cho làm những con đường mã lộ lấy Hàm Dương làm trung tâm và tuôn ra tứ phía, nhờ đó tăng cường được sự giao lưu kinh tế và văn hoá giữa các dân tộc, làm cho vương triều nhà Tần trở thành một quốc gia phong kiến đầu tiên thống nhất và có nhiều dân tộc.

Vương triều nhà Tần do vua Tần Doanh Chính sáng lập chỉ tồn tại vẻn vẹn được 15 năm rồi bị lật đổ, nhưng người sáng lập ra nó là Tần Thuỷ Hoàng đã biết thuận theo trào lưu lịch sử, hoàn thành sự nghiệp thống nhất lớn lao, xây dựng được một quốc gia phong kiến trung ương tập quyền, theo hình thức chuyên chế. Rõ ràng đó là một vị hoàng đế có công lao phi thường. Vì thế đã được người sau tôn xưng là “Thiên cổ nhất đế” (Hoàng đế thứ nhất của muôn đời).

0 nhận xét: